"Anh đặt tên là
Trung Nguyên nước ngoài đọc, phát âm chữ Trung Nguyên rất khó. Người ta không
nói là Trung được đâu mà nói là T-rung Nguyên thì khó phát âm lắm”, lãnh đạo Bộ
Công thương nói.
Chia sẻ tại một buổi họp báo trước thềm Lễ Công bố Doanh nghiệp
đạt thương hiệu quốc gia trong tuần qua, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải
nói: “Nói đến Motorola chúng ta hiểu đó là thương hiệu quốc gia của Hoa Kỳ. Nói
đến Sony người ta hiểu đó là thương hiệu của Nhật Bản. Liệu sau bao nhiêu lâu
nữa, khi nhắc đến thương hiệu Việt Nam như Vietcombank, cà phê Trung
Nguyên hay bất cứ một cái tên nào đó... thì người ta hiểu rằng đó là Việt
Nam?”.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, một điều đáng buồn
là ra nước ngoài, khi nhắc đến các thương hiệu Việt Nam phần đông người
ta không hiểu bởi nguyên do lớn nhất là do tiếng Việt Nam khó nghe, khó phát
âm.
“Đấy
là một trong những vấn đề mà các doanh nghiệp phải đưa ra. Chúng ta cứ muốn
phát triển trong nước, ví như Trung Nguyên chẳng hạn. Tôi nói với anh Vũ rất
nhiều lần rồi. Anh đặt tên là Trung Nguyên nước ngoài đọc, phát âm chữ Trung
Nguyên rất khó. Người ta không nói là Trung được đâu mà nói là T-rung Nguyên
thì khó phát âm lắm”, ông Hải nói.
Theo
ông Hải: “Việc đặt tên, như quan điểm cá nhân tôi - chỉ là amateur trong
việc làm thương hiệu - nhưng cách đây khoảng chục năm tôi đã nói với anh
Đặng Lê Nguyên Vũ. Hồi ấy anh ấy hỏi vì sao tôi không đạt được thương hiệu quốc
gia. Lần đầu không được, lần thứ 2 không được, lần thứ 3 mới được. Tôi mới bảo:
Đây không phải vấn đề đó. Thứ nhất là tôi phải khẳng định là cái tên anh đặt
tôi không biết là Tung hay là T-rung, nước ngoài họ không đọc được, khó nhớ”.
Bên
cạnh đó, ông Hải cho rằng, việc một doanh nghiệp xây dựng thương hiệu nhưng lại
bán một cách đại trà cũng làm thương hiệu của doanh nghiệp đó giảm giá trị. Có
thể do lợi nhuận của doanh nghiệp nhưng ở góc độ thương hiệu quốc gia lại không
được đánh giá cao.
Doanh
nghiệp Việt 30 năm không bằng Nhật Bản 1 tháng
Thứ
trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, việc đặt một cái tên có tính “quốc tế” ít nhất là
một trong rất nhiều yếu tố để chúng ta đạt được thương hiệu quốc gia. Mục đích
khi chúng ta phát âm, ví như Motorola, có thể không hiểu gì cả nhưng hiểu đó là
của Mỹ, Boeing là của Mỹ. Tương tự như vậy, Sony... và rất nhiều thương hiệu
khác là thương hiệu quốc gia của Nhật Bản.
“Chúng
ta nói đi nói lại rất nhiều lần rồi. Tại sao một doanh nghiệp Việt Nam thành
lập 30 năm nhưng sang Nhật Bản người ta chẳng hiểu gì cả. Trong khi đó, một
doanh nghiệp Nhật Bản mới thành lập được 1 tháng thôi sang Việt Nam rất được
trọng vọng”, Thứ trưởng đặt vấn đề.
Ông
cũng nói thêm rằng: “Nói đến Nhật Bản người ta hiểu rằng thương hiệu quốc gia
Nhật Bản hơn Việt Nam. Thương hiệu chúng ta kém Nhật Bản, chúng ta phải thẳng
thắn thừa nhận điều đó. Đấy là thiệt thòi của các doanh nghiệp Việt Nam mặc dù
rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam làm hơn rất nhiều doanh nghiệp Nhật Bản nhưng
vì thương hiệu quốc gia kém nên họ phải chấp nhận mặc dù 30 năm nay họ đã có
thương hiệu ở quốc gia Việt Nam nhưng họ kém một doanh nghiệp Nhật Bản mới
thành lập 1 tháng. Chúng ta phải xem lại”.
PGS.TS
Nguyễn Quốc Thịnh – ĐH Thương mại – người gắn bó nhiều năm với Chương trình
Thương hiệu Quốc gia thì cho rằng, tên của doanh nghiệp Việt không chỉ có Trung
Nguyên mà còn có rất nhiều doanh nghiệp khác người ta không đọc được như Rạng
Đông, Thượng Đình. Tuy nhiên, khi nói đến bộ nhận diện thương hiệu không chỉ có
tên thương hiệu mà còn có những yếu tố khác.
“Ở
đây không bàn chuyện đặt tên tiếng Việt hay tiếng nước ngoài mà vấn đề ở đây là
đặt tên thế nào cho dễ gọi, dễ đọc, dễ nhớ. Doanh nghiệp cần dựa vào chiến lược
của mình. Có những doanh nghiệp thậm chí vào một thị trường nào đấy mà tên rất
khó đọc người ta buộc phải dùng một yếu tố khác để người ta tăng khả năng giao
tiếp, tiếp xúc. Ví như Biti’s, vào thị trường trung quốc, người dân Trung Quốc
không đọc được chữ Biti’s thì họ lại truyền thông chính cái tên của mình, là
Bình Tiến – đấy là cách họ làm”, ông Thịnh nói.
Ông Thịnh cũng cho rằng vấn
đề quan trọng nhất là doanh nghiệp phải có một định hướng chiến lược, hiểu
người tiêu dùng cần gì, khách hàng cần gì, khách hàng mục tiêu cần gì thì sẽ
hoạch định được chiến lược thương hiệu. “Tất nhiên nếu một doanh nghiệp kinh
doanh tốt, đầu tư cho thương hiệu tốt, hình ảnh thương hiệu tốt và có tên chuẩn
thì thuận lợi quá. Đấy là gợi ý cho các doanh nghiệp”, ông kết luận.