Nhóm cảng biển Vinalines loay hoay… thoát lỗ


Ngày 04/04/2015


Công ty Cruiser&Co

 

Nhóm cảng biển Vinalines loay hoay… thoát lỗ 

 

Cần đẩy mạnh cổ phần hoá cảng biển

Năm 2014, dù đa phần cảng biển đều có lãi, thậm chí lãi lớn. Tuy nhiên, đáng buồn rằng một số cảng biển thuộc Tổng công ty hàng hải Việt Nam (Vinalines) lại chỉ cầm chừng, lãi rất ít, thậm chí lỗ. Vì thế, việc đẩy mạnh cổ phần hoá cần quyết liệt hơn nữa.

Theo thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam, hiện cả nước có 44 cảng biển (219 bến cảng) với khoảng 44.000 m dài cầu cảng, tổng công suất thiết kế đạt 470-500 triệu tấn hàng/năm. Sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam tính đến ngày 20/12/2014 ước đạt 370,2 triệu tấn, tăng 14%, trong đó hàng container đạt 10,24 triệu TEU, tăng 20% so với năm 2013. Tuy nhiên, sự phân bổ này không đều, đặc biệt các doanh nghiệp cảng trực thuộc Vinalines (hiện quản lý gần 16.000m dài cầu cảng - chiếm gần 1/3 cả nước), nhưng sản lượng hàng hóa thông qua năm 2014 ước đạt 68,7 triệu tấn, chỉ chiếm chỉ 18,3% so với cả nước. Phải chăng, đợt IPO của nhóm cảng biển thuộc Tổng công ty này vừa qua chưa thực sự hiệu quả?

Phải giảm tỷ lệ nắm giữ nhà nước

Nhìn lại đợt IPO đầu tiên của 1 loạt cảng biển do Vinalines nắm giữ dễ dàng nhận thấy lượng cổ phần bán được không như mong muốn. Điển hình như cảng Quảng Ninh chỉ bán được 7,5% cổ phần, cảng Nha Trang “ế” trên 90% cổ phần ngày IPO. Đặc biệt, cảng Hải Phòng còn bán chưa được tới 6%. Không những thế, số cổ phần bán được chủ yếu là của cán bộ nhân viên và một số bạn hàng, đối tác của doanh nghiệp.

Chính ông Lê Anh Sơn, Tổng Giám đốc Vinalines từng chia sẻ: Lý do khiến các nhà đầu tư không mấy mặn mà với cổ phiếu của các cảng biển là do tỷ lệ Nhà nước nắm cổ phần chi phối quá cao (75%).

Để giải quyết vấn đề này, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương thoái vốn sâu hơn tại các cảng biển khi tiến hành CPH, hiện Bộ GTVT đang giao Vinalines xây dựng kế hoạch tiếp tục đẩy mạnh công tác CPH và thực hiện thoái vốn sâu hơn tại các cảng biển theo hướng cho phép CPH tất cả cảng biển trên cả nước. Nhà nước chỉ cần giữ vốn chi phối tại 7 cảng lớn gồm: Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Sài Gòn, Cần Thơ, Nghệ Tĩnh, Cam Ranh. Cụ thể, đối với bốn cảng đầu mối trọng yếu gồm: Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng và Sài Gòn, Nhà nước sẽ chỉ giữ tỉ lệ vốn là 51% thay vì 75%  như quyết định trước đó. Với ba cảng: Cần Thơ, Nghệ Tĩnh, Cam Ranh, tỷ lệ vốn Nhà nước cũng điều chỉnh xuống còn 49%  thay vì 75%. Các cảng còn lại có thể thoái toàn bộ vốn Nhà nước.

Dù với mong muốn là vậy, nhưng đến thời điểm này, việc tìm kiếm đối tác chiến lược cho các cảng biển của Vinalines nắm giữ vẫn đang khó khăn. Hiện có một số công ty như Công ty CP Đầu tư Việt Nam - Oman (VOI) đề xuất mua 19,68% cổ phần hiện do Nhà nước nắm giữ tại Công ty CP cảng Hải Phòng; hay cộng đồng doanh nghiệp Bắc Âu bày tỏ sự quan tâm đến hoạt động vận tải biển và các dự án đầu tư cảng tại Việt Nam. Mới đây, SSA Marine đã đề nghị  với Bộ GTVT bán cho nhà đầu tư nước ngoài toàn bộ phần vốn đầu tư của Vinalines trong liên doanh cảng container quốc tế Cái Lân (CICT)…. Tuy nhiên, những thoả thuận trên vẫn đang còn ở phía trước. Hiện các cảng biển do Vinalines nắm giữ vẫn chưa thực sự phát huy được hiệu quả.

Gỡ vướng cho cảng biển

Một điểm nhấn khác trong năm 2014 đó là, Bộ GTVT, Cục HHVN đã xử lý một loạt các điểm nóng tại các cảng như: Xoá bỏ các loại phí và phụ phí, xử lý kẹt cảng tại một số nhóm cảng biển. Thậm chí, ngay trong cùng 1 nhóm cảng biển lượng hàng hoá cũng phân bổ không đều nên xảy ra chuyện một số cảng có sản lượng khai thác chỉ đạt khoảng 15-20% so với công suất thiết kế, ví dụ như Cát Lái, Tp. Hồ Chí Minh xuất hiện hiện tượng tắc nghẽn, trong khi một số cảng khu vực Cái Mép - Thị Vải thiếu hàng, hoạt động cầm chừng…

Để xử lý vấn đề này, vừa qua, Bộ GTVT, Cục HHVN đã triển khai Đề án nâng cao hiệu quả khai thác các cảng biển nhóm 5. Cụ thể là cải thiện hạ tầng giao thông kết nối và các dịch vụ hỗ trợ để điều tiết hàng hóa trong các cảng biển thuộc nhóm cảng biển số 5, đồng thời thúc đẩy tiến độ di dời các cảng trên sông Sài Gòn và Nhà máy đóng tàu Ba Son.

Đồng thời, Cục HHVN tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT về triển khai giám sát giá tối thiểu dịch vụ bốc dỡ container khu vực cảng Cái Mép-Thị Vải. Với sản lượng 1,16 triệu TEU thông qua năm 2014, ước tính doanh thu của các cảng container tại Cái Mép – Thị Vải tăng thêm do áp dụng chính sách giá tối thiểu đạt khoảng 18 triệu USD (tương đương khoảng 380 tỷ đồng).

Trước nhiều giải pháp đồng bộ, những tháng gần đây các bến cảng khu vực Cái Mép - Thị Vải đã có chuyển biến tích cực. Sản lượng hàng hóa thông qua năm 2014 dự kiến đạt 39,4 59,4 triệu tấn, tăng hơn 14% so với năm 2013, trong đó hàng container đạt 1,16 triệu TEU (tăng 22,5%).

Đối với một số cảng biển đang gặp khó khăn khác, Bộ GTVT, Cục HHVN đột phá triển khai chính sách cho thuê khai thác kết cấu hạ tầng cảng biển. Cụ thể, Cục HHVN đang quản lý cho thuê 4 bến cảng gồm cầu 5,6,7 cảng Cái Lân (Quảng Ninh), bến cảng ODA Thị Vải, bến cảng ODA Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu) và bến cảng An Thới (Phú Quốc). Với chính sách này Nhà nước sẽ thu hồi được vốn đã bỏ ra để tái đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng cảng biển.

Tại Hội nghị tổng kết Cục Hàng hải Việt Nam, Bộ trưởng Đinh La Thăng chỉ rõ: Cần nhiều hơn nữa các cơ chế để khuyến khích phát triển các nhóm cảng biển như: cho thuê, mời gọi tư nhân đầu tư, khai thác cảng. Riêng với các cảng container, cần nghiên cứu mô hình xây dựng Chính quyền cảng. Đây sẽ là đề án phát triển cảng biển để thúc đẩy mục tiêu kinh tế biển của đất nước.

Nguồn: ĐINH TỊNH- Cục Hàng hải Việt Nam