TPP- Sự kỳ vọng trở thành lo ngại

Ngày 23/12/2014

 

Sự kỳ vọng trở thành lo ngại


Có thể nói rằng sự hăm hở, kỳ vọng vào những cơ hội mà TPP mang lại ở những ngày đầu khởi động đàm phán Hiệp định bao nhiêu, đến nay khi giai đoạn ký kết đang đến gần, sự kỳ vọng lại dần trở thành những nỗi lo bấy nhiêu, bởi không ít khó khăn, thách thức sẽ đối mặt. Đây là vấn đề nổi cộm được bàn thảo tại Hội thảo “Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và tác động tiềm năng đến kinh tế Việt Nam” do cơ quan Phát triển Hoa Kỳ (USAID) phối hợp với Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính vừa tổ chức tại Tp. HCM mới đây.

 

Mất thị phần mà không được công nghệ

 

Hiện tại, Doanh nghiệp ở tất cả các ngành hàng đang lo lắng sẽ phải chịu sự cạnh tranh gay gắt. Trong 12 quốc gia tham gia TPP, Việt Nam là nước có nền kinh tế kém phát triển nhất, nhưng một khi bước vào sân chơi chung là phải thực hiện các cam kết bình đẳng theo nguyên tắc “Có đi, có lại”. Áp lực thể hiện rõ nhất là tại ngay thị trường nội địa, thuế nhập khẩu sẽ giảm theo lộ trình cam kết của Hiệp định, hàng hóa các nước TPP chắc chắn sẽ “chảy” vào thị trường Việt Nam nhanh chóng. Lúc này, Doanh nghiệp sản xuất cùng một lúc phải “chống trả” với gọng kìm từ nhiều phía chĩa vào: hàng hóa của các nước trong khu vưc khối kinh tế ASEAN (AEC) chính thức có hiệu lực từ 2015, hàng hóa từ các nước tham gia các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đang đàm phán như TPP, FTA, Việt Nam-EU…

 

Khi TPP có hiệu lực, hoạt đọng sản xuất trong nước nhiều khả năng sẽ thu hút thêm nhiều nhà đầu tư tham gia vào, do TPP là khu vực thương mại lớn nhất thế giới với tổng dân số 804 triệu người. Dự báo sự cạnh tranh khai thác thị trường vốn đã khốc liệt sẽ còn căng thẳng hơn, một miếng bánh nhưng thêm nhiều người đòi chia, thì phần của  mỗi người sẽ teo lại. Thêm một trong những câu hỏi đặt ra nữa là, liệu khi hội nhập sâu thì ngành sản xuất trong nước sẽ cải thiện nhờ tiếp cận được nhiều công nghệ mới? Câu trả lời là sẽ rất khó! Đúng là khó có sự chuyển biến ngay, bởi ngay như những ngành được đánh giá là có lợi thế lớn nhất khi Việt Nam vào TPP là dệt may, da giày hiện cũng đang ở tình trạng 90% hoạt động sản xuất là gia công cho các nhà nhập khẩu nước ngoài, giá trị gia tăng thu được chỉ là một phàn rất nhỏ. Năng lực hạn chế, tài chính eo hẹp, điều kiện hạ tầng cứng của Doanh nghiệp không vững chắc nên việc tiếp nhận chuyển giao công nghệ khó thành công.

 

Ngay như những Doanh nghiệp trong lĩnh vực vốn là thế mạnh của Việt Nam cũng rất thấp thỏm về sức ép của hàng ngoại nhập. Ông Phạm Việt Bình, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ tỉnh Long An lo lắng về sức khỏe của ngành chăn nuôi trong nước chỉ đáp ứng 30% nhu cầu. Tới đây, TPP có hiệu lực với thuế quan giảm mạnh thì nguy cơ thịt gia súc các nước ồ ạt vào Việt Nam. Chắc chắn ngành chăn nuôi trong nước không cạnh tranh nổi do chi phí sản xuất trong nước khá cao. Vì thế, ông Trần Hải Đức, đại diện Hội chất lượng Tp.HCM đã nhận xét rằng, TPP sẽ tác động trực tiếp đến kinh tế Việt Nam chứ không phải tác động gián tiếp ở dạng tiềm năng.

 

Chấp nhận thách thức, nắm bắt cơ hội

 

Lâu nay,cơ hội mà các FTA mang lại được mọi người chú ý là thị trường xuất khẩu sẽ mở rộng, năng lực cạnh tranh của hàng Việt Nam xuất khẩu vào các thị trường TPP được gia tăng. Song, lợi thế về thị trường cũng sẽ không thể một sớm một chiều khai thác được, lý do đơn giản là các thị trường khi đưa ra các ưu đãi bằng thuế quan thì lại luôn đi kèm các ràng buộc bằng hàm lượng xuất xứ. Trong khi, đến thời điểm này, nguyên liệu sản xuất các ngành đang phụ thuộc vào nhập khẩu. TPP lại quy định hàm lượng xuất xứ phải trong nội khối, nhưng các thành viên TPP không phải là những nguồn cung ứng nguyên liệu hiệu quả cho hoạt động sản xuất có sức cạnh tranh tốt.

 

Đến thời điểm này, đa phần các Doanh nghiệp đều lo ngại sẽ gặp thêm khó khăn khi TPP có hiệu lực, bởi hầu hết chưa có sự chuẩn bị kỹ và thiếu thông tin. Đối với nhiều Doanh nghiệp, các thông tin mới chỉ loanh quanh về việc sẽ giảm hàng rào thuế quan và tự do hóa thương mại, còn những tác động trực tiếp tới sản xuất của ngành mình thế nào vẫn còn rất mơ hồ.

 

Theo ý kiến các chuyên gia cho rằng, Doanh nghiệp chịu thêm áp lực là điều chắc chắn sẽ diễn ra sớm nhất. Để phát triển, cần phải tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Do đó, mỗi Doanh nghiệp phải nỗ lực để vươn lên, học hỏi và trang bị kinh nghiệm quản lý tốt, như vậy mới mong đón nhận được những cơ hội mà TPP mang lại. Tuy nhiên, theo ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ thương mại đa biên, Doanh nghiệp Việt Nam đang đối mặt ới bốn cái khó là vốn, đất đai, công nghệ và lao động, và đến thời điểm này vẫn chưa tìm được bài toán giải quyết. Vì vậy, muốn Doanh nghiệp đủ khả năng cạnh tranh, đầy mạnh xuất khẩu đòi hỏi sự cải cách về thể chế, thay đổi về chính sách cùng với cơ chế phối hợp nhịp nhàng.

 

Dù nhiều thách thức nhưng xét về tương lai lâu dài, TPP sẽ giúp cho “sức khỏe” các ngành nghề tốt hơn. Đề tồn tại, Doanh nghiệp phải cố gắng không chỉ thỏa mãn các yêu của TPP mà còn coi đó là nền tảng để Doanh nghiệp tham gia “Sân chơi” hội nhập ngày càng sâu rộng.

 

Nguồn: Báo Kinh tế và Dự báo số 23 ra tháng 12 năm 2014.

 

Công ty Cruiser & Co.