Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (IP)

Ngày 23/06/2015

Công ty Cruiserco

Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (IP) là một trong những lĩnh vực quan trọng và cũng gây nhiều tranh cãi nhất trong đàm phán TPP. Đây cũng là một trong số ít các Chương của TPP mà các nội dung đàm phán bị rò rỉ nhiều nhất và do đó các ý kiến xung quanh các quy định chi tiết trong Chương này cũng thuộc diện nhiều nhất về số lượng và gay gắt nhất về nội dung.

Theo Bản Dự thảo Chương IP (mà Hoa Kỳ đề xuất) trong đàm phán TPP được tiết lộ lần gần nhất tháng 5/2014 cho thấy đàm phán về Chương này bao quát hầu như tất cả các đối tượng chính của quyền sở hữu trí tuệ (sáng chế, bản quyền, độc quyền dữ liệu, chỉ dẫn địa lý…) và với mức bảo hộ “TRIPS + +” (tức là yêu cầu bào hộ cao hơn nhiều so với mức hiện tại đang áp dụng trong Hiệp định TRIPS của WTO).

Cho tới thời điểm này, IP cũng vẫn là chủ đề nóng trong đàm phán TPP (mà cụ thể là tại cuộc họp đang diễn ra tại Guam giữa các trưởng đoàn đàm phán và cấp kỹ thuật trung tuần tháng 5/2015), trong đó có các vấn đề chủ yếu:

-         Đối tượng được bảo hộ thông qua sáng chế được mở rộng tới đâu (có bao gồm cả phương thức sử dụng mới của một sản phẩm cũ hay không…)?

-         Đối tượng được bảo hộ thông qua bản quyền được mở rộng tới đâu (có bao gồm cả các công cụ/biện pháp kỹ thuật nhằm bảo vệ cho sản phẩm chính không?)?

-         Mối liên kết giữa sáng chế và các sản phẩm khác (có đòi hỏi trách nhiệm rà soát toàn bộ để bảo vệ chủ sáng chế không?)?

-         Độc quyền dữ liệu sẽ kéo dài bao lâu?

-         Quyền tiếp cận thuốc của người bệnh (liên quan tới sáng chế trong lĩnh vực dược phẩm) được xử lý riêng biệt như thế nào, có đáp ứng Tuyên bố Doha về vấn đề này không?

Lý do chính dẫn tới những tranh cãi trong đàm phán Chương IP của TPP được cho là những mâu thuẫn lợi ích trong bảo hộ IP giữa các nước thành viên TPP có thế mạnh xuất khẩu IP (mà chủ yếu là Hoa Kỳ) và các nước đang nhập khẩu IP (phần lớn các nước còn lại trong TPP, trong đó có Việt Nam). Bảo hộ IP càng cao đồng nghĩa với việc giá các sản phẩm IP sẽ càng lâu giảm, và như vậy trong khi quyền của chủ sở hữu IP được gia tăng thì lợi ích của các chủ thể sử dụng sản phẩm IP càng giảm. Các chủ sở hữu IP có số lượng rất ít trong khi chủ thể sử dụng sản phẩm IP lại gần như bao gồm toàn xã hội. Bảo hộ cao về IP sẽ là cơ hội để thúc đẩy sáng tạo, và là động lực cho sự đi lên của xã hội. Nhưng đảm bảo cho số đông có thể tiếp cận với giá hợp lý các sản phẩm IP lại là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng cuộc sống của toàn xã hội và đặc biệt là bảo vệ cuộc sống của một nhóm các chủ thể nhạy cảm (ví dụ người bệnh, đối với sáng chế dược phẩm).

Vì vậy, vấn đề mấu chốt trong đàm phán TPP về IP thực chất là tìm được một điểm cân bằng chấp nhận được trong cán cân lợi ích giữa chủ sở hữu IP và xã hội/nhóm sử dụng IP.

Thông tin từ nhiều nguồn cho thấy không chỉ Việt Nam mà hầu hết các nước đều có quan điểm gần tương tự về các vấn đề này. Các nhóm nước kết hợp với nhau trong đàm phán IP để bảo vệ những quan điểm trong từng lĩnh vực cụ thể đã tạo ra một sức ép đàm phán mạnh và khiến Hoa Kỳ (nước đưa ra đề xuất) phải có những nhượng bộ nhất định.

Gần đây nhất, thông tin cho biết Hoa Kỳ đã tiến hành đàm phán song phương với từng nước (Chile, Mexico…) để đạt được những nhượng bộ riêng cho từng nước trong khi cam kết chung về IP trong TPP có thể ở mức cao hơn. Ví dụ:

-         Với Chile, nhiều nguồn tin cho biết nước này đã đạt được thỏa thuận với Hoa Kỳ chỉ áp dụng quy định như tại FTA Hoa Kỳ - Chile đối với vấn đề liên kết sáng chế (patent linkage);

-         Với Mexico: thông tin cho hay Hoa Kỳ đã chấp nhận coi hệ thống quy định về liên kết sáng chế hiện tại của Mexico là “phù hợp với TPP” và chỉ áp dụng cho sản phẩm mới (không áp dụng cho cách thức áp dụng mới của một sản phẩm cũ).

Nguồn: Trung tâm WTO- VCCI