Việt Nam có đòi được nhãn hiệu cà phê Buôn Ma
Thuột?
Một Công ty ở Quảng Đông (Trung Quốc) đã được bảo hộ độc quyền 2
nhãn hiệu "Buon Ma Thuot Coffee, 1896 và hình" và "Buon Ma Thuot
và 3 chữ Trung Quốc" trên lãnh thổ nước này trong vòng 10 năm.
Chỉ dẫn địa lý Việt Nam được bảo hộ tại... Trung Quốc
Theo
kết quả kiểm tra từ đối tác Trung Quốc của Công ty TNHH Tư vấn SPVN (Hà Nội),
hai nhãn hiệu cà phê có chỉ dẫn địa lý Việt Nam này được cơ quan thẩm quyền
Trung Quốc bảo hộ độc quyền cho một công ty có tên Công ty TNHH Buôn Ma Thuột
Quảng Đông (Công ty BMT Quảng Đông).
Theo
đó, nhãn hiệu “Buon Ma Thuot Coffee, 1896 và hình” được công ty này nộp đơn
đăng ký bảo hộ ngày 5/1/2010 và được cấp Văn bằng bảo hộ độc quyền nhãn hiệu
trong vòng 10 năm tính từ 14/06/2011. Nhãn hiệu “Buon Ma Thuot và 3 chữ Trung
Quốc” được nộp đơn ngày 11/08/2009 và được cấp Văn bằng bảo hộ độc quyền nhãn
hiệu số 7611987, có hiệu lực từ ngày 14/11/2010.
Tại Việt Nam, chỉ dẫn địa lý “Cà phê Buôn Ma Thuột” đã được cấp
Giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý. Giấy chứng nhận (GCN) này có hiệu lực
vô thời hạn kể từ ngày cấp. Theo quy định, trên cơ sở GCN này, chủ sở hữu -
UBND tỉnh Đắk Lắk - có quyền ngăn chặn các hành vi sử dụng nhãn hiệu trùng hoặc
tương tự với chỉ dẫn địa lý này tại lãnh thổ Việt Nam đồng thời có thể ngăn
chặn hành vi nhập khẩu hàng hóa mang chỉ dẫn địa lý này.
Theo ông Nguyễn Phước Đại - Phó Giám đốc SPVN, điều này cũng có
nghĩa Công ty BMT Quảng Đông có những quyền tương tự trên lãnh thổ Trung Quốc.
Điều đáng nói, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu cà phê hàng đầu của Việt Nam.
"Việc này nhiều khả năng sẽ khiến người tiêu dùng tại Trung
Quốc và trên thế giới cho rằng sản phẩm mà công ty này cung cấp và mang nhãn
hiệu trên bao bì là có nguồn gốc từ cà phê Buôn Ma Thuột của Việt Nam. Khả năng
nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa như vậy chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng lớn đến
thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột vốn đã được biết đến rộng rãi từ lâu",
ông Đại cho biết.
Cũng theo ông Đại, tác hại sẽ còn sâu rộng hơn nữa nếu Công ty này
quyết định tiến hành đăng ký các nhãn hiệu trên tại nhiều nước khác, đặc biệt
là các thị trường tiềm năng của Cà phê Việt Nam.
Đòi dễ hay khó?
Theo
đại diện Hiệp hội Cà phê Việt Nam, việc DN Trung Quốc đăng ký bảo hộ độc quyền
nhãn hiệu cà phê Buôn ma Thuột, dù trên lãnh thổ Trung Quốc, là sai và chủ sở
hữu chỉ dẫn địa lý này (tỉnh Đắk Lắk) có thể khởi kiện để yêu cầu Công ty BMT
Quảng Đông hủy bỏ việc sử dụng các nhãn hiệu này.
Ông
Nguyễn Phước Đại thì cho rằng: căn cứ vào điều 10 Luật Nhãn hiệu Trung Quốc,
các tên địa danh nước ngoài được coi là nổi tiếng, được biết đến rộng rãi trong
cộng đồng thì sẽ không được sử dụng làm nhãn hiệu. Và theo điều 41 cũng của bộ
luật này, các nhãn hiệu đã được đăng ký vi phạm quy định tại điều 10 sẽ bị cơ
quan thẩm quyền hủy bỏ. Ngoài ra, bất kỳ tổ chức hoặc cá nhân nào cũng có quyền
yêu cầu hủy nhãn hiệu đó.
Theo
ông Đại, việc chứng minh địa danh "Buôn Ma Thuột" được biết đến rộng
rãi tại thị trường Trung Quốc, thông qua các sản phẩm cà phê mang địa danh này
là rất phức tạp, tốn kém về thời gian và tiền bạc.
Một
quy định khác được giới làm luật dẫn ra về khả năng hủy bỏ đăng ký bảo hộ này
là chứng minh việc Công ty BMT Quảng Đông không sử dụng nhãn hiệu này trong
thời gian 3 năm liên tiếp. Để làm theo cách này, cần phải... đợi vì đến nay các
nhãn hiệu nói trên mới được bảo hộ trong ít tháng đến 1 năm.
Theo
ông Đại, đây là một giả thiết để ngỏ trong trường hợp Công ty BMT Quảng Đông
Quảng Đông đăng ký độc quyền để làm khó phía VN chứ không thực sự đưa ra sử
dụng một cách nghiêm túc và lâu dài.
Ông
Phạm Duy Khương, Giám đốc Công ty luật S&B thì lạc quan hơn, bởi theo ông
nếu căn cứ vào điều 16 của Luật Nhãn hiệu Trung Quốc thì "việc đòi lại chỉ
dẫn địa lý chỉ là vấn đề thời gian mà thôi". Cụ thể, điều 16 luật này ghi
rõ (tam dịch): "Với các nhãn hiệu mang chỉ dẫn địa lý liên quan tới hàng hóa
không có nguồn gốc từ địa danh được nhắc tới, gây nhầm lẫn trong công chúng về
nguồn gốc thật thì đăng ký bảo hộ sẽ bị từ chối và việc sử dụng chỉ dẫn này sẽ
bị cấm".
Mặc
dù vậy, hiện khả năng khởi kiện hoặc đàm phán để hủy bỏ bảo hộ này đều chỉ là
giả thiết, bởi theo Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) thì chưa có doanh nghiệp cà
phê nào của Buôn Ma Thuột báo cáo bị ảnh hưởng bởi việc này.
Tuy
nhiên, Cục cũng như giới làm luật đều khuyến cáo để tránh việc quyền lợi đối
với chỉ dẫn này bị thu hẹp hơn nữa xét về mặt thị trường quốc tế, các tổ chức
cá nhân có liên quan nên chủ động nghiên cứu việc đăng ký bảo hộ độc quyền nhãn
hiệu cho thương hiệu Cà phê Buôn Mê Thuột tại các quốc gia khác, đặc biệt là
các thị trường lớn. Đồng thời, nên xem xét nghiêm túc khả năng khởi
kiện để tránh ảnh hưởng lâu dài và sự việc phức tạp hơn như đã xảy ra đối với
cà phê Trung Nguyên hay kẹo dừa Bến Tre.
Nguồn: Dân trí.
Công ty Cruiser & Co