Điều
23. Về thời hiệu khởi kiện quy định tại khoản 3 Điều 159 của BLTTDS
1. Đối với
tranh chấp dân sự mà văn bản quy phạm pháp luật có quy định về thời hiệu khởi
kiện thì áp dụng thời hiệu khởi kiện được quy định trong văn bản quy phạm pháp
luật đó.
Ví dụ 1:
Đối với tranh chấp về hợp đồng kinh doanh bảo hiểm thì theo quy định tại Điều
30 của Luật Kinh
doanh bảo hiểm, thời hiệu khởi kiện về hợp đồng bảo hiểm là ba năm, kể từ thời
điểm phát sinh tranh chấp;
Ví dụ 2:
Đối với các tranh chấp lao động cá nhân thì theo quy định tại khoản 2 Điều 202 của Bộ luật lao động, thời
hiệu khởi kiện về tranh chấp lao động cá nhân là 01 năm kể từ ngày phát hiện ra
hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi
phạm
Ví dụ 3: Đối với tranh chấp về chia di
sản thừa kế, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người
khác thì theo quy định tại Điều 645 của Bộ luật dân sự năm 2005 thì thời hiệu
khởi kiện là mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
2. Đối với các tranh chấp dân sự
sau đây thì không áp dụng
thời hiệu khởi kiện:
a) Tranh chấp về
quyền sở hữu tài sản là tranh chấp ai có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản đó;
Ví dụ: Tranh chấp
ai có quyền sở hữu nhà ở; nếu có khởi kiện thì Toà án thụ lý vụ án; việc chấp
nhận hay không phải căn cứ vào các quy định của pháp luật.
b) Tranh chấp về
đòi lại tài sản do người khác quản lý, chiếm hữu là tranh chấp về tài sản thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp
pháp của mình nhưng do người khác quản lý, chiếm hữu tài sản đó;
Ví dụ: Ngôi nhà thuộc
quyền sở hữu của A nhưng do B đang quản lý; A có tài liệu chứng minh ngôi nhà
thuộc quyền sở hữu của A và khởi kiện đòi nhà thì Toà án thụ lý; việc chấp nhận
hay không phải căn cứ vào các quy định của pháp luật.
c) Tranh chấp về
quyền sử dụng đất theo
quy định của pháp luật về đất đai là tranh chấp ai có quyền sử dụng đất đó.
3. Đối với tranh chấp dân sự phát sinh từ giao dịch dân sự
(hợp đồng vay tài sản, hợp đồng gửi giữ tài sản, thuê tài sản, thuê khoán tài sản,
hợp đồng gia công, hợp đồng vận chuyển, hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất, hợp
đồng thuê quyền sử dụng đất, hợp đồng thuê lại quyền sử dụng đất)…, thì giải quyết như sau:
a) Đối với tranh chấp
phát sinh từ giao dịch dân sự thì áp dụng thời hiệu quy định trong văn bản quy
phạm pháp luật tương ứng đối với loại giao dịch đó.
Ví dụ:
Tranh chấp về hợp đồng thuê nhà thì thời hiệu
khởi kiện đối với hợp đồng cho thuê tài sản được xác định theo quy định tại Điều
427 của Bộ luật dân sự năm 2005 thì thời hiệu khởi kiện là 02 năm.
b) Đối với tranh chấp về quyền sở hữu
tài sản, về đòi lại tài sản, đòi lại quyền sử dụng đất do người khác
quản lý, chiếm hữu thông qua giao dịch
dân sự thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện.
Ví dụ 1: Ngày 01-01-2008, A cho B vay 500 triệu đồng, thời
hạn vay là 1 năm. Đến ngày 01-01-2009, B không trả tiền gốc và tiền lãi. Đến ngày
03-4-2011, A khởi kiện yêu cầu buộc B trả lại khoản tiền gốc và tiền lãi. Đối với
yêu cầu thanh toán khoản tiền lãi thì Tòa án không giải quyết vì đã hết thời hiệu
khởi kiện. Đối với yêu cầu thanh toán khoản tiền gốc thì không áp dụng thời hiệu
khởi kiện, Tòa án thụ lý giải quyết theo thủ tục chung.
Ví dụ 2: Trường hợp người cho thuê tài sản mà có tranh chấp
về hợp đồng thuê tài sản thì thời hiệu khởi kiện đối với hợp đồng cho thuê tài
sản được xác định theo quy định tại Điều 427 của Bộ luật dân sự năm 2005. Đối với
tranh chấp về đòi lại tài sản cho thuê do người khác đang quản lý, chiếm hữu thì căn cứ hướng dẫn
tại điểm a khoản 3 Điều 159 của BLTTDS và điểm b khoản 3 của Điều này không áp
dụng thời hiệu khởi kiện.
Ví dụ 3: Đối với tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ mà có tranh chấp
về việc ai có quyền sở hữu đối với quyền sở hữu trí tuệ đó thì không áp dụng thời
hiệu khởi kiện. Nếu tranh chấp các giao dịch về quyền sở hữu trí tuệ thì áp dụng
thời hiệu tương ứng đối với giao
dịch quyền sở hữu trí tuệ
đó.
4. Đối với tranh chấp dân sự mà văn bản quy phạm pháp luật
không có quy định về thời hiệu khởi kiện và không thuộc trường hợp quy định tại
điểm a khoản 3 Điều 159 của BLTTDS và hướng dẫn tại khoản 2 và điểm b khoản 3
Điều này, thì thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự là hai năm, kể từ ngày cá nhân, cơ quan, tổ
chức biết được quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
Ví dụ: Điều
111 Luật Đường sắt quy định "Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu giải quyết
tranh chấp về hợp đồng trong hoạt động kinh doanh đường sắt được thực hiện theo
quy định của pháp luật về tố tụng dân sự và pháp luật về trọng tài thương mại".
5. Thời điểm bắt đầu thời hiệu khởi kiện
được tính kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, lợi
ích công cộng, lợi ích của Nhà nước bị xâm phạm và được xác định như sau:
a) Đối với
nghĩa vụ dân sự mà các bên có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định thời hạn thực
hiện, nếu hết thời hạn đó mà bên có nghĩa vụ không thực hiện, thì ngày hết hạn
thực hiện nghĩa vụ là ngày xảy ra xâm phạm;
b) Đối với
nghĩa vụ dân sự mà các bên không thoả thuận hoặc pháp luật không quy định thời
hạn thực hiện, nhưng theo quy định của pháp luật các bên có thể thực hiện nghĩa
vụ hoặc yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bất cứ lúc nào nhưng phải thông báo cho nhau
biết trước trong một thời gian hợp lý, nếu hết thời hạn đã được thông báo đó
bên có nghĩa vụ không thực hiện, thì ngày hết thời hạn đã được thông báo là
ngày xảy ra xâm phạm;
c) Trường
hợp khi hết hạn thực hiện nghĩa vụ dân sự, các bên có thoả thuận kéo dài thời hạn
thực hiện nghĩa vụ đó, thì việc xác định ngày quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm
phạm căn cứ vào ngày chấm dứt thoả thuận của các bên và được thực hiện như hướng
dẫn tại điểm a và điểm b khoản 5 Điều này;
d) Trong
quá trình thực hiện hợp đồng mà có vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng, thì ngày vi
phạm nghĩa vụ là ngày xảy ra xâm phạm, trừ trường hợp các bên có thoả thuận
khác. Nếu một bên đơn phương đình chỉ hợp đồng thì ngày đơn phương đình chỉ hợp
đồng là ngày bị xâm phạm.
đ) Đối với
trường hợp đòi bồi thường thiệt hại do hành vi xâm phạm tài sản, sức khoẻ, tính
mạng,..., thì ngày xảy ra hành vi xâm phạm tài sản, sức khoẻ, tính mạng,... là
ngày bị xâm phạm.
e) Trong một
quan hệ pháp luật hoặc trong một giao dịch dân sự, nếu hành vi xâm phạm xảy ra ở
nhiều thời điểm khác nhau, thì thời điểm bắt đầu thời hiệu khởi kiện được tính
kể từ thời điểm xảy ra hành vi xâm phạm cuối cùng.
g) Trong
các trường hợp được hướng dẫn tại các điểm a, b, c, d, đ và e khoản 5 Điều này nếu các bên có thoả thuận khác về thời
điểm bắt đầu thời hiệu khởi kiện, thì thời điểm bắt đầu thời hiệu khởi kiện được
xác định theo thoả thuận của các bên.
6. Theo quy định tại Điều 160 của BLTTDS thì
các quy định của Bộ luật dân sự năm 2005 về thời hiệu được áp dụng trong tố tụng
dân sự; do đó, việc không áp dụng thời hiệu khởi kiện, thời gian không tính vào
thời hiệu khởi kiện, bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện,... được thực hiện theo
quy định của Bộ luật dân sự năm 2005.
Điều
24. Về thời hiệu yêu cầu quy định tại khoản 4 Điều 159 của BLTTDS
1. Đối với yêu cầu
giải quyết việc dân sự mà trong văn bản quy phạm pháp luật có quy định về thời
hiệu yêu cầu thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật đó.
Ví dụ 1:
Đối với yêu cầu hủy phán quyết trọng tài thì thời hạn yêu cầu là ba mươi ngày kể từ ngày
nhận được phán quyết trọng tài quy định tại Điều 69 của Luật Trọng tài thương mại.
Ví dụ 2: Đối với yêu cầu không công nhận bản
án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt
Nam thì thời hạn yêu cầu là ba mươi ngày kể từ ngày nhận được bản án, quyết định dân sự của
Tòa án nước ngoài mà không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam quy định tại Điều
360 của BLTTDS.
2. Đối với yêu cầu
giải quyết việc dân sự mà trong văn bản quy phạm pháp luật không quy định về thời
hiệu yêu cầu thì thời hiệu yêu cầu Toà án giải quyết việc dân sự là một năm, kể
từ ngày phát sinh quyền yêu cầu, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 159 của
BLTTDS và hướng dẫn tại khoản 3 Điều này.
Ví dụ: Đối
với yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu quy định tại khoản 6 Điều 26 của
BLTTDS và Điều 45 của Luật Công chứng thì thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố văn
bản công chứng vô hiệu là một năm kể từ ngày phát sinh quyền yêu cầu.
3. Đối với yêu cầu
giải quyết việc dân sự liên quan đến quyền dân sự về nhân thân của cá nhân sau đây, thì không áp dụng
thời hiệu yêu cầu:
a) Yêu cầu
tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi
dân sự; yêu cầu hủy bỏ quyết định một người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị
hạn chế năng lực hành vi dân sự quy định tại Điều 319 và Điều 322 của BLTTDS;
b) Yêu cầu
tuyên bố một người mất tích; hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất tích quy
định tại Điều 330 và Điều 333 của BLTTDS;
c) Yêu cầu
tuyên bố một người là đã chết; yêu cầu hủy bỏ quyết định tuyên bố một người là
đã chết quy định tại Điều 335 và Điều 338 của BLTTDS;
d) Yêu cầu hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên
theo quy định tại Điều 41 của Luật Hôn nhân và Gia đình;
đ) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
4. Thời điểm bắt đầu thời hiệu yêu cầu
Thời điểm bắt đầu thời hiệu yêu cầu được tính từ ngày
phát sinh quyền yêu cầu.
Ví dụ: Theo quy định tại Điều 45 của Luật Công chứng,
thì Công chứng viên, người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người có quyền
và lợi ích liên quan, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyền đề nghị Toà án
tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu khi có căn cứ cho rằng việc công chứng có
vi phạm pháp luật. Trong trường hợp này thời điểm bắt đầu thời hiệu yêu cầu được
tính từ ngày phát sinh quyền yêu cầu. Ngày phát sinh quyền yêu cầu là ngày biết
được việc công chứng có vi phạm pháp luật.