Ngày 08/07/2015
Công ty Cruiserco
Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa yêu cầu các cơ quan chức năng có liên quan theo thẩm quyền tiếp tục khẩn trương thực hiện xử lý những lô hàng đang tồn đọng tại cảng biển, cửa khẩu.
Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, trong những
năm qua, tại một số cảng biển, cửa khẩu đã xảy ra tình trạng tồn đọng số lượng
lớn hàng hóa, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh, vận chuyển hàng hóa, thiệt
hại về kinh tế cho doanh nghiệp và ô nhiễm môi trường.
Nguyên nhân để xảy ra tình trạng trên là do có sơ
hở, bất cập trong quản lý hàng nhập khẩu; một số cơ quan, doanh nghiệp thiếu
trách nhiệm, thậm chí lợi dụng quy định của pháp luật để đưa trái phép hàng hóa
vào lãnh thổ Việt Nam; cơ chế xử lý hàng tồn đọng chưa đủ mạnh và chậm được
hoàn thiện, việc thực hiện chưa thực sự quyết liệt.
Trước tình trạng trên, Phó thủ tướng nhấn mạnh các
đơn vị cần phải bám sát Nghị định số 29/2014 của Chính phủ quy định về thẩm quyền,
thủ tục xác lập quyền sở hữu nhà nước về tài sản và quản lý, xử lý tài sản được
xác lập quyền sở hữu nhà nước; Thông tư số 203/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn
xử lý hàng hóa tồn đọng thuộc địa bàn hoạt động hải quan và Thông tư số 05/2014
của Bộ Công Thương quy định về hoạt động tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập,
chuyển khẩu hàng hóa và các quy định của pháp luật liên quan khác.
Phó thủ tướng giao Bộ Tài chính chỉ đạo lực lượng
hải quan rà soát, quản lý chặt chẽ lượng hàng hóa tồn đọng. Bộ Giao thông Vận tải
chỉ đạo các doanh nghiệp cảng tích cực phối hợp, tạo điều kiện cho lực lượng hải
quan tăng cường hoạt động soi chiếu các container hàng hóa chuyển từ tàu xuống
bãi cảng để kịp thời phát hiện, xử lý các lô hàng vi phạm cũng như trách nhiệm
của doanh nghiệp, hãng tàu theo đúng quy định của pháp luật; phối hợp với lực
lượng công an xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm đủ yếu tố cấu thành tội
phạm.
Về các doanh nghiệp tham gia thu mua lượng hàng
hóa tồn đọng tại cảng biển, cửa khẩu, Phó thủ tướng giao Bộ Tài chính quyết định
theo đúng thẩm quyền, thực hiện theo cơ chế đấu giá.
Riêng đối với xử lý cao su, lốp ôtô đã qua sử dụng
tồn đọng, Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm thẩm tra năng lực các
doanh nghiệp, đơn vị có chức năng xử lý, tái chế cao su, lốp ôtô đã qua sử dụng,
bảo đảm đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về cơ sở vật chất,
công nghệ, xử lý phải đáp ứng quy định về môi trường, trên cơ sở đó, Bộ Tài
chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường lựa chọn một số doanh
nghiệp, đơn vị đủ năng lực và điều kiện để tham gia thu mua các lô hàng cao su,
lốp ôtô cũ tồn đọng; đồng thời đơn giản hóa thủ tục để đẩy nhanh tiến độ xử lý.
Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường
chủ trì, phối hợp cơ quan, địa phương liên quan tiến hành giám sát, kiểm tra chặt
chẽ quá trình xử lý, tái chế, bảo đảm đáp ứng các quy định của pháp luật về môi
trường.
Bộ Tài chính nghiên cứu, hướng dẫn cơ chế phù hợp
để hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp kinh doanh cảng giảm bớt thiệt hại do tình
trạng hàng hóa tồn đọng lâu ngày xảy ra trước thời điểm có hiệu lực của Nghị định
số 29/2014/NĐ- CP; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Công Thương tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả thực
hiện Thông tư số 05/2014 để kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, bảo đảm vừa
tạo điều kiện thuận lợi, đồng thời tiếp tục tăng cường quản lý chặt chẽ hoạt động
tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, nhất là về trách nhiệm của doanh nghiệp và có
biện pháp hiệu quả góp phần hạn chế tối đa việc để xảy ra tồn đọng hàng hóa tại
các cảng biển, cửa khẩu.
Nguồn: Vneconomy