Chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án
huy động vốn xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng lĩnh vực hàng hải chiều qua
(21/01), Bộ trưởng Đinh La Thăng nêu rõ, từ nay, các dự án cơ sở hạ tầng hàng
hải sẽ do tư nhân đầu tư. Nhà nước chỉ đầu tư những dự án không hấp dẫn, những
dự án có tính chất đảm bảo quốc phòng, an ninh.
41 dự án kêu gọi vốn xã hội hóa
Phó Cục
trưởng Cục Hàng hải VN Đỗ Đức Tiến cho biết, ngay trong tháng 01 này, Cục Hàng
hải VN sẽ công bố danh mục dự án kêu gọi các nguồn vốn xã hội đầu tư hạ tầng
hàng hải. Dự kiến, danh mục này lên tới 41 dự án cho giai đoạn 2015-2020, tổng
vốn đầu tư 43 nghìn tỷ đồng. Trong số này, có 10 dự án luồng tuyến vận tải hàng
hải, 19 dự án cảng biển, ba dự án hệ thống hàng hải điện tử và 9 công trình neo
đậu, tránh trú bão.
Hiện đã có
khá nhiều nhà đầu tư đăng ký tham gia các dự án này với số vốn dự kiến lên tới
gần 7 nghìn tỷ đồng. Có thể kể đến các Dự án đầu tư, nâng cấp luồng vào cảng
Hòn La cho tàu đến 20 nghìn DWT (Công ty Linh Thành); Đầu tư xây dựng khu bến
Minh Phú - cảng Hậu Giang (Công ty Minh Phú); Dự án Đầu tư xây dựng khu bến Trà
Cú - Trà Vinh (Công ty Hàm Giang); Dự án Đầu tư xây dựng khu bến tổng hợp và
chuyên dùng Sơn Trà (Công ty CP cảng Đà Nẵng); Dự án Đầu tư xây dựng bến 3 Vũng
Áng (Công ty Việt Lào); Dự án Đầu tư xây dựng cảng Tiên Sa - Đà Nẵng giai đoạn
2 (Công ty CP cảng Đà Nẵng); Dự án Đầu tư xây dựng cảng khách quốc tế Dương
Đông (Tập đoàn Vingroup).
Ngay trong
giai đoạn 2015-2016 cũng có ba dự án đang được các nhà đầu tư tư nhân đăng ký
tham gia và chuẩn bị được triển khai gồm: Dự án đầu tư xây dựng luồng cho tàu
biển có trọng tải lớn vào sông Hậu (Giai đoạn 2) theo hình thức đối tác công
tư, có tổng mức đầu tư 2.700 tỷ đồng. Cục Hàng hải VN đang lập dự án và sẽ hoàn
thành trong tháng 01/2015; Dự án Đầu tư xây dựng tuyến luồng Thọ Quang cho tàu
đến 10 nghìn DWT, tổng mức đầu tư 126 tỷ đồng; Dự án đầu tư, cải tạo nâng cấp
tuyến luồng Nghi Sơn cho tàu đến 50 nghìn DWT theo hình thức đối tác công tư,
có tổng mức đầu tư 300 tỷ đồng.
Lạch Huyện là dự án cuối cùng Nhà
nước đầu tư vào hàng hải
Khẳng định
hàng hải đã và đang làm rất tốt việc xã hội hóa đầu tư các dự án hạ tầng, tỷ
trọng đầu tư từ tư nhân lên đến 75-80%, vốn Nhà nước đầu tư chỉ trên 20%, song
Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng chỉ rõ: “Vai trò của quản lý Nhà nước chưa rõ.
Phải phân tích được vì sao tư nhân quyết định đầu tư, có những thuận lợi gì,
đang còn vướng mắc gì, có thể tháo gỡ gì cho nhà đầu tư, từ đó có giải pháp
tiếp tục huy động. Thực tế hiện nay, nhu cầu vốn đầu tư vào hàng hải rất lớn,
trong khi vốn từ ngân sách tiếp tục rất hạn chế”.
Bộ trưởng
cũng đặt câu hỏi và yêu cầu các cơ quan chức năng phân tích cụ thể tại sao các
dự án do tư nhân đầu tư thường rất hiệu quả? Vì sao các DN hàng hải, các cảng
biển sau khi CPH, lợi nhuận tăng lên gấp ba, bốn lần so với khi Nhà nước còn sở
hữu?
Liên quan
đến vấn đề tăng phí dịch vụ (hiện phí dịch vụ của Việt Nam đang thấp hơn thế
giới), Bộ trưởng Đinh La Thăng không đồng tình. “Tăng phí hay không còn phụ
thuộc sức chịu dựng của nền kinh tế. Không thể so sánh phí dịch vụ của Việt Nam
với phí dịch vụ của nước Anh được, mà phải nâng hiệu quả hoạt động của DN, của
nền kinh tế lên. Muốn như vậy, phải thay đổi quản trị doanh nghiệp, phải để tư
nhân đầu tư, để tư nhân được làm tất cả những gì luật pháp không cấm. Việc của
cơ quan quản lý Nhà nước là tạo môi trường đầu tư thuận lợi, các chính sách đầu
tư hấp dẫn, phải cải cách thủ tục hành chính, công khai minh bạch tất cả các
thủ tục, các quy trình lên”, Bộ trưởng nói.
Cũng theo Bộ
trưởng Đinh La Thăng: “Lạch Huyện sẽ là dự án hạ tầng cuối cùng mà Nhà nước đầu
tư vào hàng hải. Từ nay, các dự án cơ sở hạ tầng hàng hải sẽ do tư nhân đầu tư,
Nhà nước chỉ đầu tư những dự án không hấp dẫn được nhà đầu tư tư nhân, những dự
án có tính chất đảm bảo quốc phòng, an ninh. Cùng đó, phải công khai danh mục
dự án kêu gọi đầu tư, nêu rõ thứ tự ưu tiên, minh bạch trình tự thủ tục”, Bộ
trưởng chỉ đạo.
Nguồn: Báo Giao thông.
Công ty Cruiser & Co